GE đã hoạt động tích cực ở Việt Nam trong hơn hai thập kỷ qua, và chúng tôi vẫn đang nỗ lực tiếp tục đóng góp cho Việt Nam. Bản thân tôi rất vui mừng khi được thấy sự phát triển nhanh chóng của đất nước này. Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, với công suất phát điện khoảng 54GW. Cùng với các dự án điện đã được lên kế hoạch theo Quy hoạch điện 8, Việt Nam đang có xu hướng chuyển đổi sang khai thác điện khí (khí tự nhiên nội địa/khí tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu) và năng lượng tái tạo. Theo đó, tổng công suất dự kiến sẽ tăng hơn 110 GW đến năm 2030. Trên thực tế, hệ thống điện Việt Nam hiện đã có 23 GW sản lượng điện từ nhà máy điện chu trình hỗn hợp (CCPPs) đã được phê duyệt theo Quy hoạch điện quốc gia, và hơn 30 GW sản lượng điện từ các dự án bổ sung đang chờ phê duyệt.
Đồng thời, nhu cầu điện cũng không ngừng tăng trưởng ở Việt Nam. Từ năm 2016 đến năm 2019, tốc độ tăng trưởng của nhu cầu điện khoảng 10%/năm. Vì vậy dù có thận trọng đánh giá trên quan điểm lạc quan khi xem xét tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam là 7%/năm, nhu cầu điện có thể sẽ tăng trưởng ở mức 8,6% trong giai đoạn 2021 - 2025 và 7,4% trong giai đoạn 2026 - 2030. Rõ ràng, chúng ta cần một giải pháp để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng đó.
Năng lượng tái tạo là một giải pháp cần thiết để góp phần đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện trong những năm tới bởi nó có thể hỗ trợ đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải để bảo vệ môi trường và duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững. Ở Việt Nam, công suất của điện mặt trời đã tăng trưởng tới khoảng 5 GW và điện gió đang bổ sung cho lưới điện khoảng 1 GW. Trong vài năm tới, dự kiến sẽ có thêm 3 - 5 GW điện gió được đưa vào vận hành thương mại.
Sự phát triển năng lượng tái tạo cũng mang đến một số thách thức. Trước hết, chúng ta chưa có đủ nguồn năng lượng dự trữ hay hệ thống lưu trữ để tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện trên quy mô lớn. Đồng thời, hệ thống truyền tải điện vẫn chưa phát triển kịp để phục vụ truyền tải năng lượng tái tạo. Ngoài ra, các chính sách điện ngắn hạn chưa thật sự hiệu quả, hay như việc thiếu quy định trong kêu gọi vốn đầu tư và phát triển các dự án năng lượng tái tạo thông qua đấu thầu cạnh tranh (cho cả điện gió ngoài khơi) cũng đang tạo ra thêm một số thách thức.
Trong khi các nguồn năng lượng tái tạo sẽ không ngừng phát triển trên toàn cầu, thực tế vẫn tồn tại thách thức trong việc đưa nguồn năng lượng tái tạo hòa vào mạng lưới điện để đảm bảo nguồn điện an toàn, ổn định và linh hoạt. Đây cũng là thách thức mà mạng lưới điện Việt Nam phải đối mặt.
Khi xem xét nhu cầu về năng lượng, dự trữ năng lượng và các vấn đề kinh tế phát sinh khi chuyển đổi từ điện truyền thống như điện than hay điện hạt nhân sang các dạng năng lượng tái tạo, có thể thấy các nhà máy điện khí chu trình hỗn hợp sẽ là một phương án khả thi để đảm bảo cung cấp nguồn điện ổn định và luôn sẵn sàng nhờ độ linh hoạt trong vận hành đã được cải thiện, thời gian khởi động nhanh, khả năng đạt công suất tối đa nhanh và có độ linh hoạt cao trong việc sử dụng nhiên liệu.
Theo Quy hoạch điện 8, khi điện gió và điện mặt trời phát triển hơn, nhu cầu đối với các nguồn điện linh hoạt sẽ tiếp tục trở thành vấn đề được chính phủ chú trọng. Trên thực tế, chúng ta có các giải pháp củng cố công suất điện nhằm đảm bảo nguồn cung an toàn và ổn định cho lưới điện.
Củng cố lưới điện (hay cân bằng lưới điện) nghĩa là bổ sung một nguồn điện khác vào nhà máy năng lượng tái tạo nhằm cung cấp nguồn điện an toàn và ổn định khi trời không có nắng hoặc gió. Củng cố lưới điện có vai trò quan trọng đối với bất kỳ mạng lưới phát điện nào, đặc biệt là với Việt Nam, nơi có tỷ lệ năng lượng tái tạo ngày càng tăng trong những năm tới.
Tiềm năng khí tự nhiên của Việt Nam có thể lên đến gần 15 tỉ mét khối nhờ nguồn khí tự nhiên hoá lỏng gần đường bờ biển trải dài và các dự án thăm dò nguồn dự trữ khí ngoài khơi đang triển khai dự kiến bổ sung 13 triệu tấn khí mỗi năm. Vì thế, điện khí chắc chắn là một sự lựa chọn khả thi giúp đạt được nhu cầu nguồn điện bổ sung theo Quy hoạch điện 8.
GE tin rằng khí tự nhiên là một giải pháp đúng đắn giúp đáp ứng nhu cầu điện đang tăng ở Việt Nam. Trong bài viết sắp tới, tôi sẽ chia sẻ về cách mà các công nghệ điện khí mới nhất của GE có thể cung cấp nguồn điện bổ sung cần thiết đồng thời hỗ trợ sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo cũng như củng cố lưới điện để đảm bảo nguồn điện an toàn và ổn định.
Tôi rất mong chờ được làm việc cùng các khách hàng, tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam!